Gặp nghệ nhân đầu tiên đưa hội hoạ vào tranh thêu tay truyền thống
22/11/2023
Bằng việc đưa hội hoạ vào tranh thêu, nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng cùng chồng là hoạ sĩ đã sáng tạo nên một phương pháp mới lạ, độc đáo. Để có được sự thể nghiệm thành công này, nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng đã mất hàng năm trời mày mò, cải tiến và chấp nhận bỏ đi hàng trăm bức tranh thêu tay tỉ mỉ. Sinh ra tại cái nôi của nghề thêu ở Hà Tây cũ (nay là Hà Nội), nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng đã có hơn 20 nă…
Bằng việc đưa hội hoạ vào tranh thêu, nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng cùng chồng là hoạ sĩ đã sáng tạo nên một phương pháp mới lạ, độc đáo. Để có được sự thể nghiệm thành công này, nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng đã mất hàng năm trời mày mò, cải tiến và chấp nhận bỏ đi hàng trăm bức tranh thêu tay tỉ mỉ.
Sinh ra tại cái nôi của nghề thêu ở Hà Tây cũ (nay là Hà Nội), nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề. Từ bé, chị Hằng đã lớn lên cùng với đường kim mũi chỉ nên những hình ảnh tỉ mẩn, miệt mài bên khung thêu cứ thế đi vào hơi tâm trí chị một cách tự nhiên như hơi thở. Do sống trong môi trường thêu thùa như vậy nên chỉ cần chỉ bảo một chút, chị đã thành thục các kỹ thuật thêu cơ bản như: Nối đầu, lướt vặn, đâm sô, bó bạt, thêu bỏ, thêu bạt, sa hạt, khoắn vảy, thêu chăng chặn...
Chị bảo, tôi biết cầm kim trước khi cầm bút và đam mê từ đó cho đến tận bây giờ. Kể cả hiện tại, nghề thêu không còn được mấy người theo vì vất vả, lại bị cạnh tranh khốc liệt với nhiều loại hình tranh hiện đại, nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng vẫn giữ trọn tình yêu với nghề.
Với suy nghĩ phải giữ gìn và phát triển nghề truyền thống, nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng mở cửa hàng tranh trên phố Nguyễn Thái Học – Hà Nội. Suốt hơn 20 năm cố gắng, bền bỉ và không ngừng sáng tạo, những bức tranh của chị đã tỏa đi nhiều quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Pháp; các nước Đông Nam Á…, không chỉ bởi sản phẩm đẹp, mẫu mã độc đáo mà còn mang những nét đẹp đặc trưng của làng nghề truyền thống Hà Nội.
Một lợi thế với nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng là chồng chị vốn là hoạ sĩ nên cả hai hỗ trợ công việc cho nhau rất nhiều. Chị được hiểu thêm về hội hoạ để vận dụng vào thêu, khiến bức tranh trở nên sống động và có hồn hơn. Ngoài việc thêu những bức theo mô-tip hoặc kinh điển là các danh thắng Việt Nam, chị còn thêu tranh sáng tác, do chính chồng chị vẽ.
Chị tâm sự: "Nghề làm tranh thêu tay truyền thống không chỉ đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo trong từng đường kim mũi chỉ mà còn phải có con mắt của người nghệ sĩ. Người thợ cũng là người nghệ sĩ thì mới mang đến những sáng tạo riêng cho bức tranh thêu".
Điều khiến tranh thêu đặc biệt hơn các loại hình tranh các còn ở chỗ nó chuyên chở biết bao sự vất vả, tỉ mẩn. Mỗi đường kim mũi chỉ tuy đơn giản, thanh cảnh là thế nhưng thực chất lại vô cùng công phu điêu luyện.
Để có những bức tranh, người thợ thêu có khi phải mất hàng tháng trời với rất nhiều công đoạn như: Vẽ mẫu, căng nền, sang kiểu, chọn chỉ màu rồi mới thêu. Với những bức tranh có giá trị nghệ thuật, người thợ còn phải khổ luyện và có óc thẩm mỹ. Trong lúc thêu họ cũng cần phải chú ý, tỉ mỉ từng chi tiết, đặc biệt là những đường lượn hay đường nổi, những bước chuyển màu… đều cần sự tinh tế trong sử dụng kỹ thuật. Như đặc tả hình ảnh sóng nước, tia nắng mặt trời, nếp nhăn gương mặt… là những bước cần sự điêu luyện của đôi tay để tạo nên sự chuyển màu mượt mà và tự nhiên. Vì vậy, mỗi bức tranh tạo nên là một tác phẩm nghệ thuật, chứa bao tâm ý và công sức của nghệ nhân thêu.
Tranh thêu giá trị và kỳ công là thế nhưng trải qua những biến thiên của lịch sử và nhu cầu phát triển của thị trường, nghề thêu hiện nay hiện đang phải chật vật tìm nhiều hướng đi để duy trì. Ngoài tranh thêu, nhiều cửa hàng phải phát triển thêm phân khúc thêu hàng thời trang, áo dài, khăn trải bàn, chăn - gối... Bên cạnh các kỹ thuật thêu truyền thống như: Đột, lướt vặn, bó bạt, đâm xô, nối đầu, chăng chặn, sa hạt, khoắn vảy đơn - khoắn vảy kép… thì nghề thêu hiện nay còn phát triển thêm nhiều kỹ thuật khó như thêu hai mặt, thêu một mành, thêu hai mành, thêu nước chỉ bóng… Đường chỉ càng mịn màng, chân chỉ càng lẩn bao nhiêu, sản phẩm càng có giá trị nghệ thuật thẩm mỹ bấy nhiêu.
Gần đây, vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng đã nghiên cứu và ứng dụng thêm kỹ thuật thêu mới là kết hợp hội hoạ với kỹ thuật thêu để tạo nên bức tranh mới lạ và độc đáo. Đây là phương pháp được vợ chồng chị ứng dụng thành công đầu tiên và ghi nhận phản ứng rất tốt từ khách hàng.
Chia sẻ về kỹ thuật độc đáo này, nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng cho biết: "Hai năm qua, do tình hình dịch covid-19 nên khách mua tranh khá nhỏ giọt. Thị trường tranh thêu vốn đi cùng với du lịch nên khi giãn cách xã hội, khách du lịch đi và đến gần như ngưng trệ đã khiến chúng tôi khá vất vả trong việc duy trì cửa hàng. Nhưng cũng chính trong khoảng thời gian này, vợ chồng tôi đã suy ngẫm ra một phương thức mới, đó là đưa những nét vẽ của hội hoạ vào bức tranh thêu để bổ khuyết những điều mà kỹ thuật thêu không thể đạt tới".
Theo chị, kỹ thuật thêu tay ngày nay rất phát triển, đạt đến độ tinh tế và kỹ thuật cao. Tuy nhiên, sự phong phú về màu sắc, sự sáng tối trong bức tranh thì đôi khi rất khó đạt được như hội hoạ. Với lợi thế có chồng là hoạ sĩ, cả hai đã cùng "song kiếm hợp bích" để thử nghiệm. Sự kết hôn ngoài đời thực đã được anh chị đưa vào nghệ thuật, mang đến một sự "kết hôn" khác cho bức tranh, cũng nhuần nhuyễn, đồng thuận, ăn ý như ngoài đời vậy.
Tuy nhiên, để có sự thể nghiệm thành công, vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng phải bỏ đi hàng trăm bức tranh thêu (thêu xong mới đến công đoạn vẽ). Vì chất vải của hội hoạ và thêu vốn khác biệt rất lớn, vải thêu khó giữ được màu sắc như vải vẽ và ngược lại, chất liệu dùng để vẽ lại không thể thêu vì cứng và dày hơn vải thêu. Có những bức gần hoàn thiện rồi nhưng chỉ một vết màu bị thấm lên tranh là coi như bỏ cả bức. Mày mò cả năm trời, hai vợ chồng chị mới tìm ra phương thức hoà hợp cho hai loại hình. Có những bức kết hợp không biết là thêu hay vẽ, cho thấy đã đạt đến trình độ cao của kỹ thuật thêu và hội hoạ. Và trời không phụ lòng người, tranh thêu kết hợp hội hoạ được anh chị cho biết là ra đến đâu là hết đến đó,. Phương pháp này hiện đang là "độc quyền" của nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng nên cung không đáp ứng đủ cầu.
Dù đã có chỗ đứng trong nghề nhưng nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng vẫn luôn đau đáu một điều: Làm thế nào để nhiều người biết đến nghề thêu tay truyền thống và làm sao gìn giữ, quảng bá rộng rãi hình ảnh, sản phẩm của làng nghề. Chị tâm sự: "Lớp nghệ nhân xưa giờ chỉ còn mấy người, làng nghề thêu trước 10 nhà làm thì nay chỉ có 3-4 nhà duy trì vì khó sống được với nghề. Nếu không gìn giữ và phát triển, sau này nghề tổ bị mai một thì quả là có lỗi với các bậc tiền nhân". Chính vì vậy, chị và chồng quyết tâm ghi lại những video thực hiện các bức tranh thêu, từ lúc đặt mũi kim đầu tiên cho đến khi tác phẩm hoàn thiện rồi up lên kênh Youtube, vừa để lưu giữ, vừa để người xem thấy được độ kỳ công và giá trị của một tác phẩm hand make. Ngoài ra, vợ chồng chị sẵn sàng truyền dạy nghề cho lớp trẻ, tham gia các lớp dạy miễn phí để lan toả tình yêu với nghề thêu truyền thống.
Nguồn :https://giadinh.suckhoedoisong.vn/gap-nghe-nhan-dau-tien-dua-hoi-hoa-vao-tranh-theu-tay-truyen-thong-172220904154915062.htm